Cảng Vạn Ninh, với vai trò là vị trí chiến lược quan trọng, hứa hẹn sẽ là cầu nối đưa nông lâm thủy sản và các hàng hóa khác từ Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian nhanh nhất, tận dụng cơ hội tăng tốc xuất khẩu sang thị trường này, từ đó góp phần gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, nâng cao hợp tác thương mại giữa hai nước.

Tỉnh Quảng Ninh là một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nước ta. Với nhiều khu kinh tế, trung tâm thương mại, Móng Cái chính là đầu mối giao thương giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc và các nước trong khu vực. Ngoài ra, Tỉnh Quảng Ninh còn có lợi thế kinh tế biển, nhất là về cảng biển, logistics; đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản với nhiều ngư trường, bãi cá có sản lượng cao, thuận tiện cho việc khai thác.

Không chỉ là điểm trung chuyển hàng hoá trong nước, Cảng Vạn Ninh còn giữ vai trò cửa ngõ kết nối giữa Trung Quốc, các nước Đông Bắc Á với Việt Nam và ASEAN, mở ra những cơ hội cho các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ cùng phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, đặc biệt là chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Xuất nhập khẩu với Trung Quốc

Trung Quốc, với dân số hơn 1,4 tỷ người, là quốc gia đông dân nhất thế giới và là nền kinh tế đứng thứ hai toàn cầu, chỉ sau Mỹ. Sau khi dỡ bỏ các biện pháp hà khắc chống Covid cuối năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc dần bắt đầu phục hồi. Năm 2023, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 5,2% so với năm trước.

Trong những năm qua, hợp tác thương mại Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước. Việc hai bên duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương đã kịp thời giải quyết các vấn đề, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương phát triển ngày càng ổn định theo hướng cân bằng, bền vững hơn. Trong bối cảnh thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác đều giảm, Việt Nam là một trong số ít các đối tác vẫn giữ ổn định thương mại với Trung Quốc. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%), trong đó xuất khẩu đạt 57,7 tỷ USD (tăng 3,18%), nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD (tăng 6,63%), ta nhập siêu 60,17 tỷ USD (tăng 10,18%).

Sang năm 2023, về xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch đạt 61,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm trước. Đây là trường hợp duy nhất trong 5 thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương trong năm. Về nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 111,6 tỷ USD, chiếm 34,1% tổng nhập khẩu của cả nước. Mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm, giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn giảm 5,9% so với năm trước. Trung Quốc là nguồn nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, với mức thâm hụt thương mại giữa hai nước đạt gần 50 tỷ USD (trong đó nhập khẩu gần gấp đôi xuất khẩu). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc trong năm 2023 ước đạt 173,3 tỷ USD, là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất với Việt Nam.

Điểm sáng xuất khẩu trong năm 2023 là nhờ điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc những năm qua vẫn không ngừng phát triển.

Tiềm năng xuất khẩu nông lâm thủ sản sang Trung Quốc

Với nhóm hàng nông lâm thủy sản, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2023, Trung Quốc là một trong năm thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam và là thị trường duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2022 và chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp của nước ta năm 2023. Theo đó, Trung Quốc chính thức vượt Mỹ trở thành khách hàng lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thuỷ sản Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 79,63% về lượng và chiếm 78,52% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 1,7 triệu tấn, trị giá 2,27 tỷ USD, tăng 6,6% về lượng, nhưng giảm 4,8% về trị giá so với năm 2022.

Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng rau quả, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm 65% tổng trị giá xuất khẩu. Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao là nhờ một số Nghị định thư ký với Trung Quốc trong năm 2022. Theo đó, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc năm 2023 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 138,7% so với năm 2022.

Năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,52% về lượng và chiếm 90,99% về trị giá trong tổng xuất khẩu của cả nước, đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1,18 tỷ USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 7,7% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2023 ở mức 438,9 USD/tấn, tăng 1,7% so với năm 2022.

Tuy nhiên, với vị trí, vai trò quan trọng và thị trường đầy tiềm năng, nhưng hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với Trung Quốc chưa xứng với tiềm năng của hai bên, xuất, nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc.

Cảng Vạn Ninh, với vai trò là vị trí chiến lược quan trọng, hứa hẹn sẽ là cầu nối đưa nông lâm thủy sản và các hàng hóa khác từ Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian nhanh nhất, tận dụng cơ hội tăng tốc xuất khẩu sang thị trường này, từ đó góp phần gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, nâng cao hợp tác thương mại giữa hai nước.